Chi phí để theo học một trường Đại học tại Mỹ là bao nhiêu? Khi bạn tìm hiểu thông tin trên trang website tuyển sinh của trường, hay tìm kiếm thông tin tại các nguồn khác, con số ở các trang này đưa ra có thể khác nhau, gây ra nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định chọn trường.
Cách tiêu chuẩn để so sánh chi phí của các trường Đại học là sử dụng học phí, hoặc chi phí cố định mà nhà trường đặt ra cho mỗi tín chỉ. Học phí là chi phí chiếm chủ đạo trong tổng chi phí, ngoài ra cũng có một số chi phí khác mà bạn phải để tâm. Nhìn vào tổng chi phí dự tính bạn sẽ phải trả trong suốt một năm học, bạn sẽ có một bức tranh chính xác nhất về chi phí khi du học Mỹ.
Tổng chi phí bao gồm những khoản mục nào?
Khi trường bạn tính tổng chi phí, họ đã thêm vào tất cả phí mà một sinh viên bình thường phải trả trong một năm. Khoản chi phí ước định này đã bao gồm cả những chi phí phát sinh trong và sau lớp học.
Trên trang web hỗ trợ tài chính hoặc các trang về tiền học của trường, bạn không những chỉ tìm thấy con số tổng cộng, mà còn bao gồm chi tiết những gì có trong đó. Bạn cũng sẽ nhận được thông tin chính xác mình phải trả cho những khoản nào trong thư mời nhập học, mặc dù những chi phí có thể được chỉnh sửa cho phù hợp với từng sinh viên. Chẳng hạn như chi phí đi lại của bạn sẽ được tính dựa vào nơi mà bạn sẽ ở trọ trong thời gian Du học Mỹ.
Dưới đây sẽ là những khoản phí chính mà bạn phải trả
- Học phí (tuition): bao gồm tất cả chi phí cho các môn học của bạn, chi phí sử dụng cơ sở vật chất của trường, tiếp cận giảng viên…
- Tiền nhà (room): số tiền bạn trả cho việc nhà ở. Nếu bạn sống trong ký túc xá, có thể khoản này sẽ được ghi thành một cọc cho cả học kỳ. Còn nếu bạn ở ngoài, chi phí sẽ biến động, đặc biệt là sau một vài năm học tập và bạn muốn chuyển ra ngoài.
- Chi phí ăn uống (board/meals): chi phí bạn trả cho thực phẩm. Có thể kết hợp với tiền nhà để thành một khoản gọi là chi phí sinh hoạt chung (Room and Board).
- Sách vở và tài liệu (books, stationary): chi phí để hoàn thành môn học, bao gồm giáo trình cũng như các dụng cụ học tập khác như bút vở. Số tiền sẽ khác biệt tùy theo môn học vì thế nhà trường sẽ cho bạn con số trung bình mà sinh viên thường phải trả.
- Chi phí đi lại (transportation/travel): Chi phí từ nơi bạn sống đến trường. Còn các khoản chi phí đi lại cho các chuyến đi chơi thường không được bao gồm.
- Chi phí cá nhân (personal expenses): khoản tiền trung bình bạn phải trả cho các chi phí thường ngày, thiết yếu và không thiết yếu, chẳng hạn như dầu gội, quần áo, nội thất, giải trí và các hoạt động xã hội khác.
Chi phí được đề cập và chi phí vô hình: Tôi phải trả khoản nào cho ai?
Ngoài tiền học, bạn còn phải trả cho rất nhiều thứ nữa. Để có thể có con số chính xác nhất về việc học, bạn cũng cần xem các chi phí khác cũng như một khái niệm mới: chi phí đã lập hoá đơn (billed costs) mà sau đây sẽ được gọi tắt là Chi phí đã lập hoá đơn/chi phí ước tính và chi phí chưa lập hoá đơn (unbilled costs).
Chi phí đã lập hoá đơn/chi phí ước tính (billed costs/estimated costs)
Chi phí đã lập hoá đơn/chi phí ước tính là chi phí được ghi trên website của trường, và đây là khoản bạn phải trả mỗi học kỳ. Sẽ bao gồm các khoản như học phí, sinh hoạt phí (nếu bạn sống tại ký túc xá). Các khoản khác, chẳng hạn như các khoản liên quan đến thư viện, sẽ được thêm vào biên lai của bạn sau đó.
Bạn sẽ nộp tổng cộng các khoản này mỗi kỳ trực tiếp cho văn phòng cả trường, Văn phòng có thể cho phép bạn chia chi phí học kỳ theo từng tháng, nhưng trả theo cách nào, bạn cũng không cần phải trả cho từng khoản riêng biệt mà sẽ trả gộp vào.
Nếu bạn được nhận hỗ trợ tài chính, nó sẽ trừ đi các khoản mà bạn phải trả. Văn phòng trường sẽ chịu trách nhiệm cho số tiền chính xác mà bạn phải trả, sau khi đã trừ đi các khoản hỗ trợ tài chính và học bổng.
Một số chi phí là bắt buộc với tất cả sinh viên, chẳng hạn học phí. Một số chi phí có thể có nhiều lựa chọn, chẳng hạn như các gói sinh hoạt phí khác nhau. Ở nhiều trường, sinh viên năm đầu phải sống ăn ngủ trong ký túc xá, vì thế bạn cũng sẽ không có nhiều sự lựa chọn trong giai đoạn này.
Chi phí chưa lập hoá đơn (unbilled costs)
Chi phí chưa lập hoá đơn là tất cả các khoản còn lại không được nhắc đến trong chi phí đề cập, chẳng hạn như tiền sách vở, du lịch và các khoản chi tiêu cá nhân. Bạn phải trả tiền túi cho những khoản này và tự chịu trách nhiệm. Văn phòng của trường sẽ không liên quan đến việc bạn đặt vé máy bay về Việt Nam trong kỳ nghỉ đông.
Một thuận lợi chính là đây là những chi phí mà bạn có thể kiểm soát được và có cách để cắt giảm chúng. Tuy nhiên, chi phí vô hình có thể cản trở việc đưa ra con số dự đoán chính xác mà bạn phải trả, nhưng bạn phải nhớ rằng các chi phí này là bất định và phụ thuộc rất nhiều vào cách chi tiêu của bạn. Những con số được ghi trên website của trường là con số dự báo ước định về mức thực tế mà bạn sẽ chi và chúng hoàn toàn có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn con số thực tế. Ít nhất bạn cũng có con số ước định để dựa vào đó có thể đưa ra quyết định của mình.
Còn về việc bạn phải trả bao nhiêu cho nhà trường sẽ phụ thuộc vào hóa đơn gửi đến bạn đề cập việc phải thanh toán cho mỗi học kỳ. Trừ phi nhà trường yêu cầu nộp tiền giữ chỗ, còn đâu bạn chỉ phải trả tiền khi nhà trường phát hóa đơn và ghi rõ bạn phải số tiền cần phải nộp.
Tiết kiệm từ khoản chi phí chưa lập hoá đơn
Nhu cầu tiêu dùng của sinh viên khác nhau, vì thế nếu bạn có kỹ năng quản lý tài chính tốt, bạn có thể tiết kiệm được đáng kể. Đây là một số gợi ý của chúng tôi để giúp bạn đạt được điều đó.
Chọn trường ở nơi có chi phí sinh hoạt không quá cao: Các trường Đại học tọa lạc tại các thành phố lớn và sầm uất chắc chắn sẽ có một mức sinh hoạt phí cao hơn là những trường nằm ở các vùng lân cận khác.
Đánh giá các lựa chọn nhà ở: Một số trường học yêu cầu sinh viên phải ở cố định một nơi, nhưng sau một vài năm, sinh viên có thể tự do lựa chọn loại hình nhà ở cho mình. Sống với gia đình bản xứ gần đó là phương thức khá tiện lợi và tiết kiệm, nhưng cũng có những khó khăn riêng.
Lên kế hoạch nấu nướng: Tự nấu nướng sẽ giúp giảm nhiều chi phí so với việc bạn ăn ở ngoài. Đặc biệt là khi một nhóm bạn cùng nấu ăn với nhau, sẽ tiết kiệm được nhiều hơn đấy.
Để ý chi phí khi chọn lớp và chuyên ngành: Một số chuyên ngành và môn học có học phí đắt hơn, chẳng hạn như các lớp khoa học còn phải trả phí để thí nghiệm trong phòng nghiên cứu; hoặc các chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật cũng thế. Dĩ nhiên bạn học là để theo đuổi ước mơ của mình và nên làm tất cả để hoàn thành ước mơ đó, nhưng cũng nên nhớ rằng có những môn sẽ có chi phí cao hơn.
Bạn có thể sử dụng giáo trình đã dùng rồi hoặc sử dụng những bản copy nếu được phép. Mua chung sách với bạn và chia tiền ra cũng là một cách để tiết kiệm.
Tìm kiếm những hoạt động không tốn tiền để tham gia: Đại học có rất nhiều hoạt động và bạn chắc hẳn sẽ được hưởng đời sống sinh viên sôi động đúng nghĩa. Với những sự kiện âm nhạc ở gần trường, sinh viên có thể được giảm giá, hoặc được tham dự miễn phí.
Tiết kiệm khi di chuyển từ trường về nhà và ngược lại: Chi phí sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nơi bạn sinh sống cách trường bao xa. Vì thế lý tưởng nhất là chọn những địa điểm gần trường.
Xây dựng kỹ năng quản lý tài chính tốt: Hiểu rõ những khoản thu chi của bạn. Hãy tạo ngân sách và tuân thủ theo các nguyên tắc chi tiêu, và tiết kiệm để đề phòng vào những khoản chi tiêu lớn.
Với những gợi ý này, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ có một trải nghiệm Du học Mỹ hoàn hảo.
VNIS Education