Trong những năm gần đây, Mỹ vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất thu hút các bạn sinh viên đến từ các nước trên thế giới, tuy nhiên học phí dành cho các trường Đại học tại đây vẫn khá đắt đỏ. Nghĩ đến chi phí du học Mỹ, chúng ta thường liên tưởng ngay đến những khoản chi phí “khổng lồ”, hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn đô la. Sự thật liệu có như vậy không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Trong bản báo cáo của ngân hàng HSBC, Mỹ là quốc gia có chi phí du học đắt đỏ thứ 3 trên thế giới với trung bình $36,564 / 1 năm, chỉ đứng sau Úc và Singapore. Như vậy chi phí xấp xỉ nếu bạn học 2 năm Thạc sĩ sẽ rơi vào khoảng hơn $70,000 và 4 năm Đại học sẽ là khoảng $150,000. Một khoản đầu tư quá xa xỉ và đôi khi là “phi thực tế” đối với đại đa số các bạn sinh viên.
Tuy nhiên trước khi bạn bị choáng ngợp bởi những con số kia và từ bỏ “giấc mơ Mỹ”, hãy nhớ rằng: Mọi vấn đề đều có cách giải quyết.
Các trường Đại học tại Mỹ đều có mức học phí chênh lệch rất rõ rệt
Các bạn cần nhớ, còn số mà HSBC đưa ra trong báo cáo của mình là con số “trung bình”, như vậy con số thực tế sẽ là bao nhiêu? Điều này tùy thuộc rất nhiều vào trường Đại học mà bạn đang nhắm đến. Nó có thể rất cao (lên đến $60,000 / năm) đối với những trường Đại học có chi phí đắt đỏ, ngược lại con số có thể nhỏ hơn rất nhiều mức trung bình mà HSBC đưa ra đối với những trường Đại học với mức học phí rẻ.
Những trường Đại học với mức phí “dễ thở” như vậy thường là những trường Đại học công lập, được nhà nước và Bang sở tại bảo trợ rất nhiều về tài chính. Học phí ở đây thường có 2 mức, sinh viên bản xứ sẽ phải trả mức phí rất thấp, sinh viên đến từ Bang khác và sinh viên quốc tế sẽ phải trả mức phí cao hơn 1 chút.
Theo một báo cáo của tổ chức hỗ trợ sinh viên (College Board), học phí trung bình của các trường Đại học công lập năm học 2014-2015 là $9,139 cho sinh viên bản xứ, và $22,958 cho sinh viên quốc tế. Trong khi đó học phí trung bình tại các trường Đại học tư là $31,231. Tuy nhiên, lựa chọn rẻ nhất dành cho các bạn sinh viên lại là các trường Cao đẳng cộng đồng, với mức học phí vô cùng dễ chịu chỉ $3,347 / 1 năm. Hoàn thành xong khóa học 2 năm ở những trường Cao đẳng cộng đồng này bạn sẽ được nhận bằng Cao đẳng và có thể học liên thông lên 2 năm tiếp theo ở Đại học.
Cao đẳng cộng đồng (2 năm học) | Đại học công lập (sinh viên bản xứ) | Đại học công lập (sinh viên quốc tế) | Đại học tư | |
Học phí | $3,347 | $9,139 | $22,958 | $31,213 |
Chi phí ăn ở | $7,705 | $9,804 | $9,804 | $11,188 |
Tổng cộng | $11,052 | $18,943 | $32,762 | $42,419 |
Học phí và chi phí trung bình các trường Đại học tại Mỹ, năm học 2014-2015 (nguồn: College Board) Nếu tính cả chí phí đi lại và tất cả các chi phí sinh hoạt khác, College Board đưa ra những con số cụ thể như sau:
- $16,325 (Cao đẳng cộng đồng)
- $23,410 (Đại học công lập – sinh viên bản xứ)
- $37,229 (Đại học công lập – sinh viên quốc tế)
- $46,272 (Đại học tư)
Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những con số trung bình mà thôi. Con số thực tế có thể khác xa tùy thuộc vào trường Đại học mà bạn chọn. Ví dụ như trường Đại học Michigan, tuy là trường công lập, nhưng lại có mức học phí vô cùng đắt đỏ với $41,906 / 1 năm. Cộng với các chi phí sinh hoạt khác con số tổng cộng có thể lên đến hơn $53,000 / 1 năm.
Những nguồn Hỗ trợ tài chính khi học tập tại Mỹ
Cũng giống như đi mua một món đồ, những thông tin về học phí mà trường đưa ra trên website chính thức được coi là “giá niêm yết”. Còn thực tế sinh viên phải trả bao nhiêu tiền cho khóa học, còn phụ thuộc rất nhiều vào những nguồn Hỗ trợ tài chính mà sinh viên có thể sẽ được hưởng. Ví dụ như năm 2011, có đến 85% sinh viên theo học tại các trường Đại học ở Mỹ nhận được hỗ trợ tài chính.
Thông thường những trường Đại học với học phí đắt đỏ nhất, lại là những trường có những gói Hỗ trợ tài chính cho sinh viên nhiều nhất. Tại trường Đại học hàng đầu thế giới và nước Mỹ, Massachusetts Institute of Technology (MIT), có đến 90% sinh viên Đại học và 86% sinh viên sau Đại học được nhận Hỗ trợ tài chính. Tại California Institute of Technology (Caltech) cũng hỗ trợ về tài chính cho 60% sinh viên Đại học, 98% sinh viên học Thạc sĩ và 99% đang theo học Tiến sĩ. Các trường Đại học lớn ở Mỹ đều có Hỗ trợ tài chính cho sinh viên, có thể dưới dạng Học bổng, trợ cấp, và các chương trình vừa học vừa làm.
Một số Hỗ trợ về tài chính chỉ dành cho sinh viên bản xứ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ hội được mở ra cho những sinh viên quốc tế. Năm nay, University of Pennsylvania dành 6 triệu đô la cho quỹ Hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế. Harvard University cũng hỗ trợ 540 sinh viên quốc tế với số tiền trung bình $51,854 / 1 bạn. Hoặc như Yale University hỗ trợ 349 sinh viên quốc tế với số tiền trung bình $56,630 / 1 bạn.
Toàn bộ trông tin về các chương trình Hỗ trợ tài chính, sinh viên hoàn toàn có thể tìm thấy trên website của trường. Bạn cũng nên nộp đơn xin hỗ trợ kèm luôn với đơn xin học để trường xem xét.
Như vậy, du học Mỹ tốn bao nhiêu tiền?
Điều này mỗi sinh viên có thể hoàn toàn tự tính được trước khi có ý định học tập tại Mỹ. Hiện nay các trường Đại học tại Mỹ đều được Chính phủ yêu cầu phải nêu chi tiết về học phí, các chi phí về ăn ở, đi lại, sinh hoạt, và những gói Hỗ trợ tài chính v..v.. ngay trên website của mình. Các bạn cũng có thể vào trang web NÀY của chính phủ Mỹ lập ra để giúp cho sinh viên có cái nhìn toàn cảnh về chi phí học Đại học tại Mỹ.
VNIS Education